Trong thập kỷ qua, “Cloud Migration” đã trở thành mối quan tâm lớn trong thị trường công nghệ và việc ứng dụng Cloud Migration trong hệ thống vận hành của các doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Phần lớn các công ty hiện nay đều đã sử dụng điện toán đám mây ở một số lĩnh vực hoạt động dưới dạng phần mềm kinh doanh. Trong bài viết này, OSAM sẽ chỉ ra những ưu điểm khiến Cloud Migration bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu trong những năm gần đây.
1. Cloud Migration là gì?
Cloud Migration là việc chuyển các dữ liệu của doanh nghiệp lên môi trường điện toán đám mây (Cloud) và vận hành chúng trên cơ sở hạ tầng đám mây được cung cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ như AWS. Sự dịch chuyển này nhằm tăng khả năng mở rộng quy mô linh hoạt cho doanh nghiệp đồng thời cải thiện khả năng cộng tác và truy cập dữ liệu của tổ chức. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thu hẹp khoảng cách với khách hàng và nghiên cứu thị trường tốt hơn.
Nền tảng đám mây hoạt động như một trung tâm đáp ứng mọi nhu cầu của cơ sở hạ tầng CNTT (dù được ảo hóa hoặc hiện đại hóa), kiến trúc phần mềm doanh nghiệp cốt lõi (các nền tảng phụ trợ, thư viện, các giao thức, phần mềm trung gian, hệ điều hành, v.v.) và các ứng dụng vận hành frontend (ERP, CRM, CMS, Cơ sở dữ liệu).
2. Cloud Migration mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích gì?
2.1. Tính hiệu quả
Một trong những rào cản lớn về CNTT mà bạn phải đối mặt trong doanh nghiệp của mình là việc tập trung hoặc nâng cấp công nghệ trong khi hoạt động, ví dụ như việc phải mua và cài đặt phần cứng, phần mềm để mọi máy tính trong công ty của bạn có thể tương thích với nhau. Tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, điều này là khoản đầu tư lớn và mất khá nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp của bạn sử dụng công nghệ điện toán đám mây, đội ngũ IT không cần phải mất nhiều thời gian nâng cấp phần cứng, cài đặt các phần mềm mới và cấu hình lại các thiết bị. Không ai phải mất thời gian để tìm kiếm dữ liệu bị mất hoặc chuyển nó cho người khác trong cùng bộ phận. Điện toán đám mây cung cấp cho mọi người một nền tảng công nghệ như nhau. Nó còn cho phép bạn đồng thời nâng cấp các ứng dụng và chương trình, giúp mọi người trong công ty luôn hoạt động cùng trên một nền tảng đồng nhất.
2.2. Khả năng mở rộng
Khả năng mở rộng trong điện toán đám mây ý nói đến khả năng tăng hoặc giảm tài nguyên CNTT khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu thay đổi.
Khả năng lưu trữ dữ liệu, sức mạnh xử lý đều có thể được mở rộng bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây hiện có. Khi đó, đám mây được mở rộng thông qua quá trình ảo hóa. Không giống như các máy vật lý có tài nguyên và hiệu suất được thiết lập tương đối, máy ảo (Virtual Machine) rất linh hoạt và có thể dễ dàng tăng hoặc giảm quy mô. Chúng có thể được chuyển đến một máy chủ khác hoặc được lưu trữ trên nhiều máy chủ cùng một lúc; khối lượng công việc và ứng dụng có thể được chuyển sang các máy ảo lớn hơn nếu cần.
2.3. Tính hợp tác
Khi bạn tiếp tục mở rộng quy mô doanh nghiệp, bạn có thể thấy mình cần phải cộng tác nhiều hơn với những người làm việc tự do. Công cụ điện toán đám mây giúp việc chia sẻ dữ liệu và ứng dụng cho những người làm việc tự do hoặc các đồng nghiệp hết sức dễ dàng. Tương tự, bạn có thể thấy công ty của mình có thể liên quan tới việc sát nhập hoặc mua lại. Việc sử dụng điện toán đám mây giúp cho hệ thống và nhân viên sát nhập hoạt động một cách liền mạch với chi phí thấp hơn.
2.4. Back-up dữ liệu
Với các dịch vụ Cloud backup chuyên nghiệp thì doanh nghiệp có thể yêu cầu khôi phục dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác. Điện toán đám mây giúp bạn đảm bảo rằng dữ liệu được lưu trữ an toàn và có thể khôi phục lại trong trường hợp chẳng may có sự cố hoặc mất mát dữ liệu nào xảy ra.
2.5 Tính linh hoạt
Sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ, duy trì hệ thống và thông tin của công ty mang lại cho bạn sự linh hoạt để làm việc ở bất kỳ đâu miễn là có thể truy cập internet. Điều này giúp tăng tính di động và hiệu quả cho nhân viên, những người có thể mở ứng dụng để tìm thông tin trên điện thoại hoặc máy tính xách tay cho dù họ đang ở văn phòng hay ra ngoài trong một cuộc họp kinh doanh. Điều này cũng tạo ra một môi trường linh hoạt hơn, nơi các thành viên trong nhóm có thể làm việc từ xa mà vẫn thực hiện công việc của họ một cách hiệu quả.
2.6 Bảo mật cao
Một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay trong vấn đề bảo mật, đó là có đủ khả năng để tìm kiếm được các chuyên gia đáp ứng đủ điều kiện cho việc thực hiện và quản lý các công cụ bảo mật. Đám mây đang trở thành giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, Cloud cung cấp nhiều giải pháp bảo mật như cảnh báo phần mềm độc hại (malware), email và các công cụ bảo mật web như những dịch vụ dựa trên đám mây.
Một số nhà cung cấp dịch vụ cung cấp các hệ thống cảnh báo bảo mật hoạt động 24/7 ngay lập tức thông báo khi server khách hàng bị tấn công, từ đó đưa ra những quyết sách đảm bảo an toàn cho server của khách hàng, đồng thời cũng thông báo cho khách hàng về tình trạng cũng như luồng tấn công từ đâu đến. Chưa kể đội kĩ thuật sẵn sàng xử lí 24/7 đảm bảo tính sẵn sàng dịch vụ cho Khách hàng.
2.7. Tiết kiệm thời gian và chi phí
Khi sử dụng điện toán đám mây, bạn sẽ không phải chi trả một nguồn chi phí trả trước nào cho phần mềm và phần cứng để vận hành hệ thống. Bởi trong hầu hết môi trường đám mây, chi phí này đều đã được tính vào các mức bạn phải thanh toán hàng tháng/năm cố định và không xảy ra phát sinh thêm. Ngoài ra, các chi phí để nâng cấp, bảo trì hệ thống cũng như khắc phục sự cố do nhà cung cấp đảm nhận và khách hàng sẽ không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào ngoài chi phí cố định.
Việc sử dụng điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp có thể dự trù được kinh phí cụ thể trong quá trình vận hành. Từ đó đưa ra những phương pháp hiệu quả nhất cho hoạt động kinh doanh.